Nghề dệt chiếu ở buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) có từ bao giờ, vì sao chỉ người Êđê ở buôn Trấp mới biết nghề này trong khi người Êđê ở các buôn làng khác trong vùng lại không biết?…
Khi được hỏi về những điều này, hầu như bà con ở buôn Trấp ai cũng bảo: Nghề này của ông bà để lại; hồi nhỏ đã thấy ông bà dệt chiếu rồi. Đời ông bà dệt chiếu, rồi đến đời con, đời cháu cũng dệt chiếu. Cứ thế cho đến bây giờ.
Dù lãi ít, nhưng gia đình Amí H’Mót vẫn duy trì công việc dệt chiếu để giữ nghề. |
Theo nhiều tài liệu, người Êđê ở buôn Trấp thuộc nhóm người Êđê Bih. Trước đây, nhóm người Êđê Bih sinh sống ở quanh hang Băng ADrênh và vùng hồ Tac Prông (nay thuộc xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana). Khoảng năm 1890, người Pháp dồn dân sống rải rác các nơi về tập trung ở buôn Trấp. Năm 1964 chính quyền Mỹ – Ngụy tiếp tục thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để bình định, nên người dân buôn Trấp bị tập trung về sống ở buôn Alê A, Alê B (TP. Buôn Ma Thuột hiện nay). Sau năm 1975, người Êđê Bih mới trở về buôn Trấp. Vùng đất này xưa kia rất nhiều bãi sình lầy (chính vì thế mà có tên buôn Trấp: từ “trấp” tiếng Êđê có nghĩa là sình lầy), đầm bãi hoang vu với đủ các loại lau lách, cỏ dại mọc ngút ngàn; trong đó cây cói sinh trưởng khá nhiều. Từ hồi đấy người dân trong buôn đã biết lấy cói về để dệt chiếu; theo đó nghề dệt chiếu ở đây đã có đến hơn 100 năm.
Khoảng những năm 1980 – 1990 nghề dệt chiếu ở buôn Trấp khá phát triển. Chiếu của bà con được mọi người biết đến vì vừa bền, vừa đẹp, lại rẻ. Bà H’Ven H’Đer (tên thường gọi là amí H’Mót), năm nay 50 tuổi, một trong những người làm nghề dệt chiếu ở buôn Trấp nhớ lại: “Hồi đó trong buôn nhà nào cũng làm chiếu. Chiếu làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhiều người từ các nơi khác đến hỏi mua, nhất là bà con ở các buôn làng trong huyện rất ưa chuộng, mua rất nhiều…”. Đến thời kỳ cơ chế thị trường phát triển, hàng hóa nhiều, lưu thông thuận tiện, các loại chiếu với đủ mẫu mã, kích thước, màu sắc, hoa văn được bày bán khắp nơi; từ chiếu cói, chiếu trúc đến chiếu ni lon, rồi hàng nội có, hàng ngoại có cả… do vậy chiếu của người dân ở đây làm ra bán không chạy như trước. Trong buôn, người làm chiếu cứ ít dần.
Những tưởng cơ chế thị trường sẽ khiến cho nghề dệt chiếu ở đây rơi vào quên lãng, thế nhưng một số amí, amai (mẹ, chị) trong buôn vẫn gắn bó với nghề như: amí H’Mót, amí H’Loan… Tuy vậy họ chỉ làm cầm chừng. Chiếu dệt ra, số thì gửi bán ở các buôn xa, số thì cứ để trong nhà, ai hỏi mua thì bán. Cứ như thế, nghề dệt chiếu vẫn được duy trì dù không còn được chú trọng như trước.
Chiếu của người Êđê ở buôn Trấp được dệt trơn, không nhuộm màu, không in hoa. Chiếc chiếu dày dặn, có màu xanh nhạt tự nhiên; nhìn đã thấy bền và mát. Để làm ra được chiếc chiếu cũng mất khá nhiều công sức. Vất vả nhất là đi lấy cói: Các đồng bãi bỏ hoang xưa kia bây giờ đã được khai phá để làm ruộng, muốn lấy cói phải đi tận vùng Nam Ka, La Xiên phía bên kia sông Krông Knô, đi thuyền máy cũng mất cả tiếng đồng hồ, phải cắm trại ở đó vài ba ngày để gặt cói; rồi lại phải thuê thuyền chở về, khá tốn kém. Việc tiếp theo là chẻ cói, phơi cói; sợi cói được phơi khoảng hai nắng khô săn lại, vừa dai, vừa chắc, lúc đó mới đem dệt được.
Amí H’Mót tâm sự: “Bây giờ trong buôn chỉ có khoảng 5 – 6 gia đình còn dệt chiếu thôi. Một ngày, ba mẹ con mình dệt được khoảng 4 – 5 chiếc chiếu. Giá bán sỉ từ 50.000 – 60.000 đồng/chiếc và cũng tùy từng lúc. Người ta (thương lái) đem đi bán ở các chợ xã, các buôn làng khác. Cứ hai, ba ngày họ đến lấy hàng một lần. Nhà mình người thì nhiều, ruộng thì ít, nên dù làm chiếu mất nhiều công mà không được bao nhiêu tiền thì vẫn phải cố, lấy công làm lãi thôi. Dù sao cũng có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống…”. Còn bà H’Yê B’krông (tên thường gọi là amí H’Loan), năm nay đã 60 tuổi trầm ngâm: “Làm chiếu chỉ làm được vào mùa khô; làm hết mùa cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng mình biết dệt chiếu từ khi còn nhỏ, bao nhiêu năm dệt chiếu rồi, bây giờ không làm nữa thì tiếc lắm. Nghề của ông bà mà, phải giữ lấy chứ…”.
Dệt chiếu không chỉ là để mưu sinh mà còn là cách để “giữ lấy nghề của ông bà”, suy nghĩ của những người phụ nữ Êđê ở buôn Trấp thật giản đơn mà sâu sắc.
Theo Báo Đak Lak
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét