slide

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Cách bảo quản chiếu cói

Để bảo quản và tăng tuổi thọ của chiếu cói các bạn lưu ý như sau:
·    Không được ngâm nước quá lâu vì như thế khi phơi nắng sợi cói sẽ bị giòn, dễ gãy. Nên ta cần giặt nhanh bằng nước sạch có thể pha chút sunlight vào trong nước cũng được theo tỷ lệ 1/2 muỗm cà fe cho 10 lít nước , dùng bàn chải chà, sau khi giặt sạch đem phơi nắng mặt trái cả ngày với nắng nhẹ, nếu nắng gắt phơi thì khi nào khô là được và phơi sương mặt phải đến khoảng 10h tối là dùng được.
·     Vấn đề bảo quản, bên cạnh tác dụng thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt thì khi thời tiết có độ ẩm cao sợi cói hút hơi ẩm dễ bị mốc, vì vậy khi ko dùng đến các mẹ hãy giặt sạch, phơi thật khô và để nơi khô ráo, ko để xuống nền đất. Cẩn thận hơn các bạn có thể cho vào bao nilon buộc kín.
·     Khi bị mốc thì các bạn chỉ cần giặt sạch phơi nắng thật khô. Trong trường hợp không giặt được các bạn phơi chiếu mốc ra nắng cho chiếu khô rồi dùng bàn chải đánh, mốc sẽ bay ra không để lại dấu vết hoặc dùng khăn ướt lau sạch sau đó bật quạt hoặc máy sấy tóc làm khô là được. (Tuyệt đối không dùng bàn chải đánh khi chiếu đang ẩm và bị mốc vì như thế vết mốc sẽ làm thâm chiếu và không giặt được).
Các bác tham khảo thêm : Các bạn đọc thêm ở Cách sử lý chiếu cói bị mốc trắng, các bảo quản
(st)

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân

Nghề truyền thống dệt chiếu cói lâu đời.

Nghề dệt chiếu cói Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên đã có từ hàng trăm năm. Hiện làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân có 249 hộ gia đình, với trên 600 lao động trực tiếp tham gia dệt chiếu cói chủ yếu là lao động nữ. Các em nhỏ và người lớn tuổi đều có thể tham gia các khâu trong quy trình sản xuất chiếu cói. 


Quy mô làng chiếu cói.
Với 25 ha vùng nguyên liệu cói tại địa phương, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu để nâng cao chất lượng, mẫu mã đẹp, tốn ít nhân công, giá thành của sản phẩm lại tăng gấp đôi so với với sản phẩm làm thủ công. Những năm gần đây, sản phẩm của làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh Phú Yên và mở rộng tiêu thụ tại thị trường các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định... Tổng giá trị sản phẩm tiêu thụ của làng nghề dệt chiếu cói bình quân đạt trên 5,3 tỷ đồng/ năm. Nghề dệt chiếu cói tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phụ nữ Phú Tân.


Nông dân thu hoạch cói.


Thu hoạch cói.


Cói được kết thành bè đưa về sau khi thu hoạch.


Nhuộm màu cói.


Nhuộm màu cói.


Cói sau khi nhuộm màu được phơi khô. 


Nghề dệt chiếu cói tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phụ nữ Phú Tân.



Nhiều gia đình đầu tư máy dệt chiếu để năng cao chất lượng sản phẩm. 


Sản phẩm chiếu cói được kiểm tra trước khi đưa ra thị trường.

Chùm ảnh: Phương Hoa
tag: chieu coichiếu cóichieu coi thai binhchiếu cói thái bình

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Về với Đồng Cói Huyện Kim Sơn - Ninh Bình

Nguyên liệu cho Chiếu Cói ( Đồng cói Kim Sơn - Ninh Bình )
 

Vùng nguyên liệu chiếu cói đồi dào. Ai đã tới Ninh Bình chưa? Và tới Ninh Bình ai có đi miền Phát Diệm, Kim Sơn không nhỉ? Nơi đây là đất cói, một loại cây trồng ven bờ đê, dùng để dệt chiếu.

Những cánh đồng cói bát ngát, liên tiếp nhau ở Cồn Thoi cách Phát Diệm hơn mười cây số, chỗ sông Đáy chảy ra bể, chia làm hai nhánh, nơi tỉnh Ninh Bình tiếp giáp địa phận Thanh Hóa.

Thân cói xanh xanh, cọ sát vào nhau rào rào theo từng cơn gió bể. Những cánh hoa đo đỏ, giống như hoa ngô đồng, nổi bật trên đám lá xanh. Suốt khắp cồn Thoi, trông giống hình một con thoi dệt vải, man mác chỉ cói và cói. Những ngọn cói ngả đầu vào nhau theo chiều gió, và gió lướt trên những ngọn cói như sóng gợn rung rinh. Hoa đo đỏ, lá xanh xanh dao động. Vài con bướm nhởn nhơ bay từ cánh hoa này sang cánh hoa khác. Thỉnh thoảng vụt bay từ giữa đám cói ra một vài con két, con rẽ, con sít, hoặc con mùng.

Hai nhánh sông Đáy lững lờ bao bọc lấy cồn Thoi, nước lờ lờ xanh, hòa hợp với màu cói xanh, cũng như với nền trời xanh thẳm. Một vài con thuyền đủng đỉnh, của người đánh cá, hoặc chở khách ngang sông. Xa xa, ngọn núi Nẹ đứng sừng sững một mình, im lặng, thăm thẳm màu lam, mấy sợi mây trắng nhẹ nhàng giăng trên đỉnh. Núi như tấm bình phong chắn ngang mênh mông đồng cói. Đàn chim hải âu bay ngang trời. 

Về mé biển, sát cánh đồng cói, nơi nước mặn sàn sàn tràn ngập, đấy là rừng vẹt. Những cây vẹt xanh biếc cưng cứng tựa lá si, mọc suốt ven bể, lan mãi ra xa. Đất có nước mặn là có cây vẹt. Màu xanh biếc của vẹt điều hòa màu nước biển xanh thẫm với màu xanh tươi của cánh đồng cói. Phải chăng tại đây hóa công muốn tô điểm cho phong cảnh không chỉ bằng sông núi mà bằng cả nhịp nhàng của màu sắc nữa.

Trên bát ngát mấy màu xanh nhịp nhàng đó, những đàn le le, sâm cầm, mòng két thỉnh thoảng lại vụt bay như muốn tạo tâm hồn linh động cho cảnh vật. Trời mây nhẹ trôi, biển bao la man mác, vài chiếc thuyền căng buồm đè mặt nước, phong cảnh trông thật hữu tình, nên thơ.

Và ở cánh đồng cói, các cô thôn nữ xinh tươi đang cùng nhau cắt cói, nói nói cười cười, bên các chàng trai lanh lẹn hoạt bát luôn luôn đáp lời các cô một cách đậm đà duyên dáng.

Ngoài làm chiếu cói, còn làm những sản phẩm đặc trưng của quê Hương. Cói là một nguồn lợi của dân chúng vùng Phát Diệm, Kim Sơn. Cói dùng để làm chiếu và bổi cói dùng để lợp nhà. Những cánh đồng cói ở đây đã giúp cho người dân được sung túc, đỡ lam lũ hơn các vùng đông dân cư khác ở quanh vùng.

Ruộng trồng cói phải cày bừa trong năm đầu kỹ lưỡng. Sau đó cói được trồng và với mầu mỡ đất gần biển, lớn dần. Cói trồng vào tháng mười năm trước, tới tháng tám năm sau có thể thu hoạch. Trong thời gian này, chủ ruộng chỉ cần thỉnh thoảng xẻ rãnh cho có nước vào ruộng. Sự trông nom không vất vả mấy. Thu tới, sau những trận mưa ngâu tháng bảy, cói trổ hoa. Hoa cói báo hiệu ngày gặt cói sắp tới.

Với thu sang, đàn én từ phương bắc bay về, mỗi buổi chiều sè sè liệng trên cánh đồng cói, chao qua chao lại. Tiết thu hơi lành lạnh và buổi chiều sương thu buông thả, phủ lên ruộng cói bao la. Thân những cây cói nhẹ cọ sát vào nhau từng lúc nghe như nỉ non than thở.

Người ta gặt cói về tháng tám. Cói gặt xong lớp này, lớp khác sẽ lại mọc lên, và đến tháng tám năm sau người ta lại gặt lượt khác. Một ruộng cói chỉ cần cày bừa và trồng trong năm đầu, những năm sau cói cứ tự nhiên mọc lên. Có thể gặt mười vụ liên tiếp mới cần cày bừa lại ruộng và trồng cói lại.

Cánh đồng cói vui vẻ nhất về mùa gặt. Trời thu trong và dịu. Gió thu nhè nhẹ mát. Lòng người ta thư thái thênh thang. Người ta hân hoan đón gặt những cây cói, những cây cói quý báu sẽ biến thành tài sản của người ta.

Dân chúng mấy xã Tân Mỹ, Kim Đài, Văn Hải v.v., ngay từ lúc chớm thu người ta đã sửa soạn cho vụ gặt cói, chỉ đợi hoa cói nở rộ, thân cói già hơn một chút là rủ nhau đi gặt. Đầu tháng tám hoa cói đỏ khắp cánh đồng, rung rinh với gió thu, dưới những cánh bướm chập chờn cùng những đàn ong từ núi Nẹ tới tấp bay ra hút nhị về làm mật. Thân cây cói sẫm hơn, và cũng có một số cây ngả từ màu xanh sang màu vàng nhợt.

Người ta bắt đầu vụ gặt.

Tờ mờ sáng, tự các ngả làng người ta lũ lượt dắt nhau ra cánh đồng, đàn ông có, đàn bà có. Vừa đi họ vừa vang vang nói chuyện, gây nên một cảnh nhộn nhịp trên những con đường làng. Có những cô thiếu nữ xinh tươi, cười nhí nhảnh với những chàng trai nhanh nhẹn cố ý đi sát bên cạnh để nói vài câu chuyện không đâu. Có những người đứng tuổi đi nghiêm trang giữa đám thanh niên đang bông đùa...

Dân làng đi tới những ruộng cói, kéo nhau xuống cắt. Một tay cầm liềm, tay cầm nắm cói, họ đưa liềm cắt vào chân cói. Cói cắt xong được đặt ngay tại chỗ. Họ vừa lúi húi cắt cói vừa nói chuyện với nhau, câu chuyện làm cho công việc nhẹ nhàng hơn. Nơi này thiếu nữ cắt, nơi kia thanh niên “đon” cói thành từng “gù”, nghĩa là bó cói thành từng bó dài, chỗ nọ vài bà già bận rộn cắt bỏ những bông hoa cói, chỗ khác nữa dăm ba thiếu phụ “soi gương” những gù cói, nghĩa là xén chân cho đều. Các em bé cũng có công việc: các em nhặt những “bổi” cói, tức những cây cói kẹ mà khi đon gù người ta bỏ lại, để xếp thành từng đống. Bổi cói rồi sẽ được bó, đánh nên “danh” bổi để lợp nhà.

Lớn, bé, già, trẻ, thiếu nữ thanh niên, ai nấy đều chăm chú với công việc của mình. Họ cặm cụi làm việc, mặc dầu họ luôn luôn cùng nhau trò chuyện cho đỡ mệt.

Ruộng cói nào cũng thấp thoáng bóng người, với những cử động làm rung rinh ngọn cói chưa cắt. Thỉnh thoảng lại vụt lại vài tiếng cười giòn giã của các thiếu nữ vừa được nghe một vài câu chuyện vui trong lúc làm việc. Mùi cói thơm thơm hòa lẫn mùi đất miền duyên hải dịu dịu.

Đi cắt cói, đàn ông cũng như đàn bà ăn mặc rất gọn gàng, chỉ có quần nâu áo nâu. Các cô gái đội thêm một chiếc khăn vuông màu nâu đỏ để giữ cho tóc khỏi xõa (...)

Những bó cói được cắt hoa, soi gương xong, được xếp xuống thuyền để đưa về làng, nhưng một số lớn cũng do người ta đội về (...)

Cói gặt về được chẻ làm tư, phơi khô và dùng dệt chiếu, đan bị, hoặc tết những túi nhỏ gửi bán ở thành thị. Khi cói phơi đã khô, người ta sẽ lựa chọn phân loại, để tùy theo việc mà dùng. Những sợi cói nhẵn đẹp, trắng, không ố, không vết sẽ được để riêng dành dệt loại chiếu đậu là loại chiếu tốt. Loại kém hơn dùng dệt chiếu sô, tức chiếu thường, loại này dệt xong có khi được in hoa, gọi là chiếu hoa. Lại có thứ chiếu hoa cải, dệt máy bằng những sợi cói đã nhuộm sẵn. Những sợi cói kém nhất dùng để đan bị, đan bao (...)



(Trích Toan Ánh, Gái đẹp xứ Bắc)
                                       

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Tỉnh Ninh Bình duy trì, phát triển vùng trồng cói và sản phẩm từ cói

Kim Sơn -  Ninh Bình đang thực hiện nhiều biện pháp duy trì và phát triển vùng trồng cói và các sản phẩm truyền thống từ cây cói chiếu cói để giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân.

Cây cói và chiếu cói đã gắn bó với người dân Kim Sơn cách đây gần 2 thế kỷ. Qua 5 lần quai đê lấn biển, Kim Sơn đã thực hiện tốt phương châm "lúa lấn cói, cói lấn biển", với diện tích lúc nhiều nhất lên đến hơn 1.000 ha, sản lượng đạt hơn 10.000 tấn cói chẻ. Các làng nghề sản xuất, chế biến cói phát triển ở khắp thôn, xã, thường xuyên giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động, giá trị sản xuất từ cói của huyện nhiều năm đạt từ 120 - 130 tỷ đồng/năm. Các mặt hàng chiếu cói, sản phẩm mỹ nghệ từ cói đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. 

Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, cây cói Kim Sơn gặp nhiều khó khăn, người trồng cói thua lỗ, sản phẩm cói "đói" thị trường, nhiều cơ sở chế biến phải ngừng sản xuất hoặc phải thay đổi mẫu mã hướng vào thị trường trong nước và người tiêu dùng bình dân. Diện tích cói của huyện đã giảm hơn 340 ha so với trước. Nhiều nơi, nông dân phá cói, trồng lúa để tăng nguồn lương thực. Nếu như trước đây, cây cói mang lại hiệu quả gấp 2 - 3lần trồng lúa, thì đến thời điểm vừa qua, mỗi ha cói chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng/ha/năm, bằng 1/2 thu nhập của người trồng lúa, trong khi trồng cói tốn rất nhiều công chăm sóc, chi phí gấp rưỡi so với trồng lúa. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất chế biến sản phẩm cói gặp khó khăn, một số doanh nghiệp chuyển sang sản xuất bằng nguyên liệu bẹ chuối, bèo tây, nứa chắp...Giá cói nguyên liệu xuống thấp, nhiều người đã bỏ không thu hoạch. Ông Đoàn Kim Ly, Phó Chủ tích UBND huyện Kim Sơn cho biết: Người trồng cói trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn vì giá cói xuống thấp, nhiều hộ không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch cói, có hộ lỗ hàng triệu đồng.

Để duy trì vùng nguyên liệu cói, giữ vững ngành nghề chế biến hàng mỹ nghệ từ cói, tỉnh Ninh Bình đã triển khai qui hoạch lại vùng cói với việc xây dựng hệ thống thủy lợi theo vùng tập trung, thuận lợi cho nhân dân phát triển cây cói. Tỉnh hỗ trợ 4 triệu đồng/ha giống cói được trồng mới, diện tích cói cải tạo được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Nguồn kinh phí trên được cấp trực tiếp cho hộ nông dân trên cơ sở nghiệm thu thực địa bảo đảm chất lượng và qui trình kỹ thuật. Riêng huyện Kim Sơn cũng hỗ trợ 1 triệu đồng cho vùng trồng cói mới và 500.000 đồng/ha cải tạo trồng lại cói. Trước mắt, Ninh Bình tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cói tập trung tại Công ty nông nghiệp Bình Minh với diện tích 450 ha trong năm 2009. Tỉnh và huyện Kim Sơn đầu tư cho Công ty 10 tỷ đồng nâng cấp hệ thống kênh mương tưới tiêu, đưa giống cói mới của Nhật Bản và các giống cói tốt trong nước vào sản xuất, trên cơ sở đó từng bước mở rộng diện tích cói ở các xã được qui hoạch như Định Hoá, Văn Hải, Kim Mỹ , Kim Tân, Lai Thành. Tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư vào khâu sản xuất chế biến cói, giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đa dạng hoá sản phẩm để giữ vững thương hiệu sản phẩm từ cây cói Kim Sơn./.
Các từ khóa theo tin:
(Theo TTXVN)
tag: chieu coichiếu cóichieu coi thai binhchiếu cói thái bình

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Chiếu cói xuất dương

      Làng nghề chiếu cói truyền thống Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) có từ trăm năm trước, qua nhiều thế hệ sản xuất thủ công nhọc nhằn, lam lũ. Mấy năm nay, khi có máy móc thay thế sức người, chiếu cói Định Yên xuất dương mang về sự sung túc.
     Đi Qua thị xã Sa Đéc vài chục cây số, tới Định Yên là biết ngay làng chiếu. Làng xóm vang tiếng máy dệt chiếu. Tôi vào HTX Thanh Bình, cơ sở sản xuất chiếu cói lớn nhất xã. Mấy chục chiếc máy dệt chiếu đang chạy hết công suất. Chị Nguyễn Thị Thủy, bên chiếc máy dệt, xởi lởi: “Bây giờ làm chiếu khác trước nhiều rồi, có máy dệt nên đỡ vất vả và cũng dễ kiếm cái ăn hơn”.
     Chị Thủy 45 tuổi, dệt chiếu từ khi mới 9 tuổi đến giờ, chứng kiến nhiều đổi thay. Chị không biết nghề chiếu Định Yên có từ bao giờ, chỉ biết đời cha mẹ, ông bà nội ngoại đều làm chiếu rồi truyền lại. Nghề chiếu thủ công truyền đời, nên tay người Định Yên không ai là không nhằng nhịt sẹo do đứt dao hoặc sợi cói cắt xước.
     Bây giờ khác rồi, cói được chẻ bằng máy. Sợi cói tự nhiên được hấp nhuộm, phơi trở mấy lần cho đạt màu sắc theo yêu cầu, mới đưa vào dệt. Dệt chiếu là công đoạn vất vả nhất. Trước kia làm thủ công, phải có hai người, một người đẩy sợi cói vào và một người dập.
     Tỷ mẩn, chậm chạp, lê la trên mặt đất, mỗi ngày làm nhanh chỉ được ba chiếc chiếu đã mệt lả người. Nay chỉ cần một người ngồi ghế đút từng sợi cói vào máy, mỗi ngày cho ra ít nhất chín chiếc chiếu, nhanh và đẹp hơn nhiều.
     Trước đây, chiếu dệt xong mang ngay ra chợ cho kịp bán. Xã Định Yên có chợ chiếu họp cả ngày lẫn đêm, vì thế còn gọi là chợ ma vì họp ban đêm trong mập mờ đèn dầu, người mua người bán lọ mọ trao đổi không rõ mặt nhau. Vậy nhưng chợ luôn đông đúc người mua bán.
     “Dân sợ chiếu ế, thương lái thì sợ không đủ hàng nên thường xuyên túc trực. Chợ ma vì thế mà không bao giờ vãn người”, chị Tuyết giải thích. Bây giờ thì chợ ma chỉ còn vài hộ nhỏ lẻ vì hệ thống thương lái đã đến từng nhà, đặt hàng trước khi dệt.  
     Nghề chiếu Định Yên qua trăm năm, qua chiến tranh loạn lạc, trải nhiều phen thăng trầm và vẫn giữ được nghề.
Khó ló khôn
     Ông chủ nhiệm HTX Chiếu cói Thanh Bình Phan Văn Bé Tư cho biết, chiếu Định Yên là thương hiệu chung của bốn làng nghề trải trên địa bàn hai xã Định Yên và Định An (Lấp Vò, Đồng Tháp).
      Hai xã có 40.000 hộ dân, trong đó có 18.000 hộ làm chiếu. Đến nay, số hộ làm chiếu thủ công chỉ còn khoảng 20%, còn lại là máy móc. Chiếu Định Yên làm máy đẹp, bền, được tiêu thụ nhiều nơi với tiền lời khá nên người làm chiếu sống khỏe với nghề, không còn lam lũ như trước.Tuy nhiên, giai đoạn công nghiệp hóa không phải suôn sẻ.
“Lúc đầu, dân Định Yên lạ lẫm với cái máy, không ai làm được, thị trường thì không quen sản phẩm mới nên trăm bề khốn khó”, ông Bé Tư nhớ lại.
      Nhiệt huyết với chiếu cói càng mãnh liệt, ông kiên trì vận động từng nhà đưa người lên xã học dệt chiếu bằng máy. Chiếu dệt bằng máy, sợi bố thủ công được thay bằng sợi chỉ trắng mềm mại và bền nhưng cũng lạ lẫm với thị trường. Các thành viên trong tổ hợp tác đi khắp nơi ký gởi nhờ bán giùm. Dần dà, nhân công và thị trường cũng quen, chiếu Thanh Bình dệt bằng máy bắt đầu có chỗ đứng.
       Năm 2005, Tổ trưởng Bé Tư lại có quyết định táo bạo: Tháo rời hai chiếc máy dệt của Hàn Quốc để nghiên cứu, nhằm chế thêm máy cho rẻ. Ông không biết gì về cơ khí khiến nhiều người lo ngại. Nhưng đã quyết là làm, ông cùng vài người sao chép cẩn thận từng chi tiết máy rồi đặt hàng cho các cơ sở cơ khí sản xuất, mang về lắp ráp.
      “Lúc đầu làm được sáu chiếc, cũng ì ạch lắm, phải chỉnh sửa nhiều ngày đêm mới hoạt động được, cải tạo thêm mới chạy trơn tru”, ông Bé Tư tâm sự.
Thành công đó đã khích lệ ông thành lập HTX cơ khí sản xuất và bảo trì máy dệt chiếu. Từ đó máy dệt được phủ khắp toàn vùng.
chiếu cói xuất ngoại
      Chủ nhiệm HTX Chiếu cói Thanh Bình lăn lộn khắp các hội thảo, tận dụng các mối quan hệ để tiếp thị. Đến đâu ông cũng mời đối tác về HTX Chiếu cói Thanh Bình xem việc sản xuất chiếu. Kết quả là hợp đồng ngày càng nhiều, thương hiệu chiếu Thanh Bình có chỗ đứng trong thị trường.
Đến nay, chiếu Thanh Bình đã được chứng nhận thương hiệu độc quyền, có đại lý lớn ở khắp các tỉnh ĐBSCL, miền Đông Nam Bộ, xuất khẩu đi Hàn Quốc,Thái Lan, Campuchia mỗi năm hàng chục ngàn chiếc.
Ông chủ nhiệm nhỏ người, chia sẻ cùng tôi tham vọng đưa chiếu cói Định Yên vươn xa hơn. “Làm ăn thời hội nhập phải đầu tư lâu dài, bài bản, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mới mong phất lên được”, ông Bé Tư tâm huyết.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Chieu coi Làng nghề truyền thống trăm năm

Xã Định Yên (Lấp Vò) tươi rói những sắc màu của chiếu đã thôi thúc chúng tôi dừng chân lại đây để trải nghiệm với nghề dệt chiếu truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghề dệt chiếu tại Định Yên
Hiện chưa có một tài liệu nào xác định được cụ thể thời điểm xuất hiện nghề dệt chiếu ở Định Yên, nhưng theo các cụ cao niên trong xã thì nghề dệt chiếu đã có từ hơn 100 năm. Trước đây, làng chiếu Định Yên được biết đến nhiều nhất là chợ chiếu đêm, còn được gọi là “chợ ma” do chợ chỉ nhóm họp vào ban đêm, thường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Chợ chiếu đêm nhóm khoảng từ 3 giờ đêm cho đến hơn 4 giờ sáng là tan chợ. Nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán vào ban đêm được bà con giải thích do ban ngày người sản xuất bận dệt chiếu và thương lái cũng bận đi bán nên việc họp chợ để mua bán chỉ diễn ra vào ban đêm. Giờ “chợ ma” không còn, nhưng cả 4/4 ấp thuộc xã Định Yên gồm An Lợi A, An Lợi B, An Khương và An Bình vẫn còn rất đông hộ gia đình theo nghề dệt chiếu.

Chiếu sau khi dệt được bác Năm Mum mang phơi ngoài sân
Nghề dệt chiếu Định Yên đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn được các thế hệ giữ gìn. Một chiều cuối tháng 5, chúng tôi dừng chân tại ấp An Bình, dù thời điểm này không vào mùa lễ hội để chiếu “hút hàng” nhưng tiếng máy dệt chiếu vẫn “dập” không ngừng tại nhiều nhà dân trong ấp. Để có 1 chiếc chiếu thành phẩm, đẹp, người làm ra chiếu phải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, tuyển lựa các sợi lác cho đều nhau, không to quá cũng không được nhuyễn quá, sau đó mang đi phơi nắng độ 30 phút đến 1 giờ, khi nước nhuộm được đun sôi, mang lác vào nhuộm. Sau đó, lác được tiếp tục mang phơi nắng độ 1 buổi rồi mới mang vào dệt. Khi dệt xong, chiếu lại được mang đi cắt bìa, buộc chỉ bìa và phơi nắng.
Ông Mai Thành Lập - Chủ tịch UBND xã Định Yên cho biết, từ khi nghề dệt chiếu Định Yên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tìm đến làng nghề tham quan.
Tỉnh có quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Làng nghề chiếu Định Yên tại cồn Quạ, ấp An Bình với diện tích trên 32ha. Dự án đang được kêu gọi đầu tư. Nếu dự án được sớm thực hiện, địa phương sẽ có dịp quảng bá hình ảnh làng nghề, từ đó thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan nghề dệt chiếu, đồng thời các dịch vụ trên địa bàn sẽ có cơ hội phát triển và những sản phẩm chiếu của trên 3.700 hộ sinh sống bằng nghề dệt chiếu sẽ được bán “chạy” hơn.
Chúng tôi đến nhà bác Năm Mum (ấp An Bình), không khí dệt chiếu tại đây khá náo nhiệt, mọi người vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Ngoài sân và lối ra vào nhà bác Năm Mum phơi đầy chiếu với nhiều màu sắc như tô đậm thêm nét đẹp dân dã của một làng nghề truyền thống. Những chiếc máy dệt thủ công đã được bác treo cất cạnh mái hiên nhà và thay vào đó là 5 máy dệt chiếu bằng điện hiện đại. Ở tuổi 69, bác Năm vẫn cùng các con cháu ngồi dệt chiếu, thực hiện các công đoạn để làm ra những chiếc chiếu ưng ý khách hàng. Nói về nghề làm chiếu mà gần cả cuộc đời mình đã theo, bác Năm Mum cho biết, từ lúc lên 10 tuổi, bác đã theo nghề dệt chiếu do ba mẹ truyền lại, khi bán ra những chiếc chiếu, có lúc lợi nhuận rất ít, có ngày thu về chỉ được 1 ngàn đồng/chiếc chiếu, nhưng gia đình bác không ai muốn từ bỏ. Điều bác và đông bảo bà con làm nghề dệt chiếu nơi đây cảm thấy phấn khởi là vào dịp lễ, Tết, chiếu bán được giá cao. Ngoài ra, bác Năm Mum cũng như những người thợ dệt chiếu hiếu khách khác mà chúng tôi có dịp tìm đến đều rất đỗi vui mừng mỗi khi có đoàn khách du lịch tìm đến tham quan nơi dệt chiếu và động viên những người dệt chiếu vượt qua khó khăn để giữ gìn nghề dệt chiếu truyền thống.
Hữu Nghĩa
(st)

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Đak Lak – Thăng trầm nghề dệt chiếu Buôn Trấp

Nghề dệt chiếu ở buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) có từ bao giờ, vì sao chỉ người Êđê ở buôn Trấp mới biết nghề này trong khi người Êđê ở các buôn làng khác trong vùng lại không biết?…

Khi được hỏi về những điều này, hầu như bà con ở buôn Trấp ai cũng bảo: Nghề này của ông bà để lại; hồi nhỏ đã thấy ông bà dệt chiếu rồi. Đời ông bà dệt chiếu, rồi đến đời con, đời cháu cũng dệt chiếu. Cứ thế cho đến bây giờ.

chiếu cói

Dù lãi ít, nhưng gia đình Amí H’Mót vẫn duy trì công việc dệt chiếu để giữ nghề.
Theo nhiều tài liệu, người Êđê ở buôn Trấp thuộc nhóm người Êđê Bih. Trước đây, nhóm người Êđê Bih sinh sống ở quanh hang Băng ADrênh và vùng hồ Tac Prông (nay thuộc xã Băng ADrênh, huyện Krông Ana). Khoảng năm 1890, người Pháp dồn dân sống rải rác các nơi về tập trung ở buôn Trấp. Năm 1964 chính quyền Mỹ – Ngụy tiếp tục thực hiện chính sách dồn dân vào các ấp chiến lược để bình định, nên người dân buôn Trấp bị tập trung về sống ở buôn Alê A, Alê B (TP. Buôn Ma Thuột hiện nay). Sau năm 1975, người Êđê Bih mới trở về buôn Trấp. Vùng đất này xưa kia rất nhiều bãi sình lầy (chính vì thế mà có tên buôn Trấp: từ “trấp” tiếng Êđê có nghĩa là sình lầy), đầm bãi hoang vu với đủ các loại lau lách, cỏ dại mọc ngút ngàn; trong đó cây cói sinh trưởng khá nhiều. Từ hồi đấy người dân trong buôn đã biết lấy cói về để dệt chiếu; theo đó nghề dệt chiếu ở đây đã có đến hơn 100 năm.
Khoảng những năm 1980 – 1990 nghề dệt chiếu ở buôn Trấp khá phát triển. Chiếu của bà con được mọi người biết đến vì vừa bền, vừa đẹp, lại rẻ. Bà H’Ven H’Đer (tên thường gọi là amí H’Mót), năm nay 50 tuổi, một trong những người làm nghề dệt chiếu ở buôn Trấp nhớ lại: “Hồi đó trong buôn nhà nào cũng làm chiếu. Chiếu làm ra đến đâu bán hết đến đó. Nhiều người từ các nơi khác đến hỏi mua, nhất là bà con ở các buôn làng trong huyện rất ưa chuộng, mua rất nhiều…”. Đến thời kỳ cơ chế thị trường phát triển, hàng hóa nhiều, lưu thông thuận tiện, các loại chiếu với đủ mẫu mã, kích thước, màu sắc, hoa văn được bày bán khắp nơi; từ chiếu cói, chiếu trúc đến chiếu ni lon, rồi hàng nội có, hàng ngoại có cả… do vậy chiếu của người dân ở đây làm ra bán không chạy như trước. Trong buôn, người làm chiếu cứ ít dần.
Những tưởng cơ chế thị trường sẽ khiến cho nghề dệt chiếu ở đây rơi vào quên lãng, thế nhưng một số amí, amai (mẹ, chị) trong buôn vẫn  gắn bó với nghề như: amí H’Mót, amí H’Loan… Tuy vậy họ chỉ làm cầm chừng. Chiếu dệt ra, số thì gửi bán ở các buôn xa, số thì cứ để trong nhà, ai hỏi mua thì bán. Cứ như thế, nghề dệt chiếu vẫn được duy trì dù không còn được chú trọng như trước.
Chiếu của người Êđê ở buôn Trấp được dệt trơn, không nhuộm màu, không in hoa. Chiếc chiếu dày dặn, có màu xanh nhạt tự nhiên; nhìn đã thấy bền và mát. Để làm ra được chiếc chiếu cũng mất khá nhiều công sức. Vất vả nhất là đi lấy cói: Các đồng bãi bỏ hoang xưa kia bây giờ đã được khai phá để làm ruộng, muốn lấy cói phải đi tận vùng Nam Ka, La Xiên phía bên kia sông Krông Knô, đi thuyền máy cũng mất cả tiếng đồng hồ, phải cắm trại ở đó vài ba ngày để gặt cói; rồi lại phải thuê thuyền chở về, khá tốn kém. Việc tiếp theo là chẻ cói, phơi cói; sợi cói được phơi khoảng hai nắng khô săn lại, vừa dai, vừa chắc, lúc đó mới đem dệt được.
Amí H’Mót tâm sự: “Bây giờ trong buôn chỉ có khoảng 5 – 6 gia đình còn dệt chiếu thôi. Một ngày, ba mẹ con mình dệt được khoảng 4 – 5 chiếc chiếu. Giá bán sỉ từ 50.000 – 60.000 đồng/chiếc và cũng tùy từng lúc. Người ta (thương lái) đem đi bán ở các chợ xã, các buôn làng khác. Cứ hai, ba ngày họ đến lấy hàng một lần. Nhà mình người thì nhiều, ruộng thì ít, nên dù làm chiếu mất nhiều công mà không được bao nhiêu tiền thì vẫn phải cố, lấy công làm lãi thôi. Dù sao cũng có thêm ít tiền để trang trải cuộc sống…”. Còn bà H’Yê B’krông (tên thường gọi là amí H’Loan), năm nay đã 60 tuổi trầm ngâm: “Làm chiếu chỉ làm được vào mùa khô; làm hết mùa cũng không được bao nhiêu tiền. Nhưng mình biết dệt chiếu từ khi còn nhỏ, bao nhiêu năm dệt chiếu rồi, bây giờ không làm nữa thì tiếc lắm. Nghề của ông bà mà, phải giữ lấy chứ…”.
Dệt chiếu không chỉ là để mưu sinh mà còn là cách để “giữ lấy nghề của ông bà”, suy nghĩ của những người phụ nữ Êđê ở buôn Trấp thật giản đơn mà sâu sắc.

Theo Báo Đak Lak

tag: chieu coichiếu cói, chieu coi thai binh, chiếu cói thái bình

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

MÙA HÈ, NẰM CHIẾU CÓI VÌ SAO CẢM THẤY MÁT?

Nằm chiếu cói sẽ mát hơn vật liệu khác
Trong những ngày hè, bạn cản thấy rất oi bức, nếu vừa đứng vào chỗ thoáng gió bạn cảm thấy dễ chịu ngay. Vì chỗ thoáng gió sẽ thổi khô mồi hôitrên người bạn rất nhanh. Mồ hôi biến thành hơi nước bay vào không khí, đồng thời cũng mang đi một lượng nhiệt đáng kể của cơ thể.Người nằm trên chiếu cói cũng thấy mát là do bởinguyên nhân đó. Vì chiếu cói được dệt từ những sợi cói rời, nó vừa thông gió lọt khí, vừa hút được mồ hôi. Người nằm trên chiếu cói, mồ hôi trên cơ thể bốc hơi rất nhanh, lượng nhiệt bị hút đi cũng rất lớn. Vì vậy người nằm trên chiếu cói liền cảm thấy mát mẻ dể chịu.
                                                                                                                                                             (st)
tag: chieu coi, chiếu cói, chieu coi thai binh, chiếu cói thái bình

Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

“CHIẾU CÓI MINH QUANG” ( Báo Thái Bình )

Ra đời đúng vào thời điểm nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, các sản phẩm gia dụng sản xuất ra ngày càng nhiều.
Các sản phẩm chiếu với đầy đủ mẫu mã, chủng loại khác nhau, ngày càng da dạng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược để cạnh tranh với những mặt hàng chiếu từ Trung Quốc. Ảnh Ngọc Trâm
Nhiều doanh nghiệp đã không đứng vững, nhưng doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang - một doanh nghiệp làng nghề ở xã Đông Hà, huyện Đông Hưng vẫn phát triển và khẳng định được thương hiệu “Chiếu cói Minh Quang” trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với quy mô sản phẩm sản xuất và tiêu thụ hàng năm lên tới trên 500.000 lá chiếu các loại, chủ yếu bán theo hợp đồng dịch vụ cho các đơn vị công an, quân đội và các trường chuyên nghiệp, Doanh nghiệp chiếu cói Minh Quang đã góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 300 hộ gia đình trong, ngoài xã theo phương thức dệt chiếu gia công “ nhận nguyên liệu, giao sản phẩm” với thu nhập từ 1,5 - 1,9 triệu đồng người/tháng. Anh Nguyễn Trọng Quang - Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Những năm đầu  mới thành lập, do hầu hết nguyên liệu sản xuất phải đi mua và sản xuất thủ công trong khi phải cạnh tranh với hàng loạt các thương hiệu chiếu cói nổi tiếng trong nước nên doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, đã có lúc tưởng như đi vào “ngõ cụt”.
Anh Quang kể lại: Đi chào hàng, sau khi thoả thuận được chỉ tiêu chất lượng, sang vấn đề giá cả thì hầu hết các khách hàng đều từ chối. Từ đây, anh hiểu, ngoài mục tiêu chất lượng thì bài toán tiếp theo doanh nghiệp cần giải quyết là vấn đề giá thành sản phẩm. Để giải bài toán giá thành sản phẩm thì yếu tố thiết bị công nghệ đóng vai trò chìa khoá.
Với tư duy đó, từ năm 2005, Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang bắt đầu thực hiện giải pháp đầu tư thiết bị công nghệ, thực hiện chuyển đổi toàn diện từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, công ty đã mua, nhập đồng loạt hệ thống 25 dàn máy dệt chiếu của Trung Quốc, và đây là một trong các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
 Ông Phạm Văn Lan- Công nhân Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang cho biết: Ngoài việc giảm nhẹ lao động, tăng ca sản xuất để đáp ứng nhu cầu hợp đồng, năng suất lao động đã tăng từ 7 - 8 lá chiếu/2 người dệt thủ công/ngày lên 70 – 75 lá/1 máy/ người – 1 ngày đêm. Hơn nữa, thu nhập của người lao động cũng tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mọi chế độ như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản, ốm đau... đều được doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Chuyển từ dệt thủ công với việc sử dụng chỉ dệt sợi đay xe thủ công sang dệt máy sử dụng chỉ dệt sợi xe công nghiệp, đã phát sinh khó khăn cho doanh nghiệp: Nếu đi mua nhập chỉ dệt công nghiệp thì mục tiêu hạ giá thành sản phẩm khó có thể thực hiện triệt để, vì thế, thêm một lần nữa doanh nghiệp đầu tư một số lượng tiền vốn lớn nhập khẩu dàn máy xe chỉ tự động của Hàn quốc. Với dàn máy xe chỉ tự động này, doanh nghiệp đã tự cân đối nhu cầu chỉ dệt cho mình và cho các hộ làng nghề với chất lượng nguyên liệu cao hơn và giá thành rẻ hơn.
Nếu như trước đây toàn bộ chỉ dệt là sợi đay xe thủ công, thì sau đó, toàn bộ chỉ dệt là sợi công nghiệp như: polyme, coton, hoặc bông tổng hợp, đáp ứng đa dạng các nhu cầu thị hiếu tiêu dùng. Ngoài mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, việc thay thế sợi dệt từ sợi đay cổ truyền bằng sợi công nghiệp có chất liệu polyme đã làm Chiếu cói Minh Quang có chất lượng sử dụng cao hơn, chiếu trở nên bền, đẹp và ít mốc hơn trong điều kiện thời tiết ẩm thấp; đặc biệt đã hạn chế được “bụi sợi” trong suốt quá trình sử dụng, đây là một trong các chỉ tiêu chất lượng được những khách hàng quan tâm nhiều hơn. Từ những thành công đó, thời gian qua, Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang đã trở thành một mô hình cho nhiều doanh nghiệp làng nghề chiếu cói trong, ngoài tỉnh thăm quan, tham khảo.
Sau gần chục năm xây dựng và phát triển, bằng việc thực hiện giải pháp đầu tư trang thiết bị kỹ thuật công nghệ để hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu “Chiếu cói Minh Quang” đã trở thành một thương hiệu mạnh trong làng nghề chiếu cói trong tỉnh, đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển làng nghề chiếu cói Thái Bình.
Minh Nguyệt
( theo báo Thái Bình http://baothaibinh.com.vn/40/3173/CHIEU_COI_MINH_QUANG.htm)

tag: chieu coi, chiếu cói, chieu coi thai binh, chiếu cói thái bình

“CHIẾU CÓI MINH QUANG” ( Báo Thái Bình )

Ra đời đúng vào thời điểm nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, các sản phẩm gia dụng sản xuất ra ngày càng nhiều.
Chieu coi, chiếu cói
Các sản phẩm chiếu với đầy đủ mẫu mã, chủng loại khác nhau, ngày càng da dạng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược để cạnh tranh với những mặt hàng chiếu từ Trung Quốc. Ảnh Ngọc Trâm
Nhiều doanh nghiệp đã không đứng vững, nhưng doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang - một doanh nghiệp làng nghề ở xã Đông Hà, huyện Đông Hưng vẫn phát triển và khẳng định được thương hiệu “Chiếu cói Minh Quang” trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với quy mô sản phẩm sản xuất và tiêu thụ hàng năm lên tới trên 500.000 lá chiếu các loại, chủ yếu bán theo hợp đồng dịch vụ cho các đơn vị công an, quân đội và các trường chuyên nghiệp, Doanh nghiệp chiếu cói Minh Quang đã góp phần tạo việc làm ổn định cho gần 300 hộ gia đình trong, ngoài xã theo phương thức dệt chiếu gia công “ nhận nguyên liệu, giao sản phẩm” với thu nhập từ 1,5 - 1,9 triệu đồng người/tháng. Anh Nguyễn Trọng Quang - Giám đốc Doanh nghiệp cho biết: Những năm đầu  mới thành lập, do hầu hết nguyên liệu sản xuất phải đi mua và sản xuất thủ công trong khi phải cạnh tranh với hàng loạt các thương hiệu chiếu cói nổi tiếng trong nước nên doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, đã có lúc tưởng như đi vào “ngõ cụt”.
Anh Quang kể lại: Đi chào hàng, sau khi thoả thuận được chỉ tiêu chất lượng, sang vấn đề giá cả thì hầu hết các khách hàng đều từ chối. Từ đây, anh hiểu, ngoài mục tiêu chất lượng thì bài toán tiếp theo doanh nghiệp cần giải quyết là vấn đề giá thành sản phẩm. Để giải bài toán giá thành sản phẩm thì yếu tố thiết bị công nghệ đóng vai trò chìa khoá.
Với tư duy đó, từ năm 2005, Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang bắt đầu thực hiện giải pháp đầu tư thiết bị công nghệ, thực hiện chuyển đổi toàn diện từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, công ty đã mua, nhập đồng loạt hệ thống 25 dàn máy dệt chiếu của Trung Quốc, và đây là một trong các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
 Ông Phạm Văn Lan- Công nhân Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang cho biết: Ngoài việc giảm nhẹ lao động, tăng ca sản xuất để đáp ứng nhu cầu hợp đồng, năng suất lao động đã tăng từ 7 - 8 lá chiếu/2 người dệt thủ công/ngày lên 70 – 75 lá/1 máy/ người – 1 ngày đêm. Hơn nữa, thu nhập của người lao động cũng tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mọi chế độ như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thai sản, ốm đau... đều được doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Chuyển từ dệt thủ công với việc sử dụng chỉ dệt sợi đay xe thủ công sang dệt máy sử dụng chỉ dệt sợi xe công nghiệp, đã phát sinh khó khăn cho doanh nghiệp: Nếu đi mua nhập chỉ dệt công nghiệp thì mục tiêu hạ giá thành sản phẩm khó có thể thực hiện triệt để, vì thế, thêm một lần nữa doanh nghiệp đầu tư một số lượng tiền vốn lớn nhập khẩu dàn máy xe chỉ tự động của Hàn quốc. Với dàn máy xe chỉ tự động này, doanh nghiệp đã tự cân đối nhu cầu chỉ dệt cho mình và cho các hộ làng nghề với chất lượng nguyên liệu cao hơn và giá thành rẻ hơn.
Nếu như trước đây toàn bộ chỉ dệt là sợi đay xe thủ công, thì sau đó, toàn bộ chỉ dệt là sợi công nghiệp như: polyme, coton, hoặc bông tổng hợp, đáp ứng đa dạng các nhu cầu thị hiếu tiêu dùng. Ngoài mục tiêu hạ giá thành sản phẩm, việc thay thế sợi dệt từ sợi đay cổ truyền bằng sợi công nghiệp có chất liệu polyme đã làm Chiếu cói Minh Quang có chất lượng sử dụng cao hơn, chiếu trở nên bền, đẹp và ít mốc hơn trong điều kiện thời tiết ẩm thấp; đặc biệt đã hạn chế được “bụi sợi” trong suốt quá trình sử dụng, đây là một trong các chỉ tiêu chất lượng được những khách hàng quan tâm nhiều hơn. Từ những thành công đó, thời gian qua, Doanh nghiệp Chiếu cói Minh Quang đã trở thành một mô hình cho nhiều doanh nghiệp làng nghề chiếu cói trong, ngoài tỉnh thăm quan, tham khảo.
Sau gần chục năm xây dựng và phát triển, bằng việc thực hiện giải pháp đầu tư trang thiết bị kỹ thuật công nghệ để hạ giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu “Chiếu cói Minh Quang” đã trở thành một thương hiệu mạnh trong làng nghề chiếu cói trong tỉnh, đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển làng nghề chiếu cói Thái Bình.
Minh Nguyệt
( theo báo Thái Bình http://baothaibinh.com.vn/40/3173/CHIEU_COI_MINH_QUANG.htm)

tag: chieu coichiếu cói, chieu coi thai binh, chiếu cói thái bình

Chiếu cói Thái Bình - Hotline: 0167 453 1842