Làng nghề dệt chiếu cói
Cách trung tâm thành phố hơn 20 km về phía Tây Nam, làng dệt chiếu xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, vẫn còn nguyên vẻ đơn sơ, mộc mạc của ngôi làng giàu truyền thống với nghề dệt chiếu cói đã có từ rất lâu rồi.
Chiếu cói với thị trường
Chiếc chiếu cói làng nghề giá thành rẻ hơn nhiều so với chiếu tre, chiếu trúc của Trung Quốc, hè nằm thì mát, đông nằm thì ấm, phảng phất mùi của những rơm rạ, đồng quê, mà đòi hỏi bao công đoạn cũng như sự khéo léo của người nông dân dệt chiếu, từ trồng cói, đay, chọn cói đến đan chiếu, sơn phẩm màu, sấy chiếu...
Bắt đầu là từ khâu chọn nguyên liệu, cói và đay để làm chiếu cũng được lựa chon rất kĩ càng. Dệt chiếu cói phải là cói được trau kỹ lưỡng, lựa từng sợi mảnh thanh, dẻo dai. Có như thế khi lên tấm, chiếu mới trắng, bóng mượt.
Từ những bãi cói, rặng đay mọc ngút ngàn vùng ven sông, ven biển, cứ vào vụ, người dân xã Đồng Minh lại đi thu hoạch cói. Mỗi năm cói cho hai vụ - thu hoạch cói già là khi cói đã bắt đầu ra hoa. Sáu tháng một lần, cói được cắt sát tận gốc rồi phơi khô ngay trên bờ ruộng. Cói khô được chọn bỏ những cọng không đạt chuẩn, cắt vừa theo yêu cầu rồi bó thành từng bó vừa tay.
Nếu trời nắng đẹp thì khoảng 3 ngày nắng to là được. Khi phơi, tránh trời mưa vì nước mưa mà ngấm vào thì coi như là Cói xấu, mất giá! Một buổi chạy mưa thì thật là khốn khổ, bở hết cả hơi tai, vì mùa thu hoạch vào mùa hè nên thường có mưa, người dân ai cũng phải theo dõi thời tiết để phơi cói...
Đến khâu xử lý cói và dệt chiếu cũng thật lắm gian nan, cói 1 nắng gọi là "ưởn" được đánh đống để ngoài sân phơi, che bằng bổi đã khô, sau ba nắng là cây cói có màu trắng xanh đem bó lại gọi là "gù". Khi hết mùa thu hoạch, hầu hết nguời dân ở vùng cói ở nhà dệt chiếu. Cói được chọn loại bỏ những cây xấu và bắt đầu dệt. Thường thì mọi người dệt chiếu cho đến vụ mùa năm sau.
Bắt đầu dệt chiếu người ta dùng đay sợi mắc lên thành từng hàng theo chiều dài sợi nọ cách sợi kia khoảng 1 cm trước khi mắc đay người ta xuyên những sợi đay qua lỗ cái "go". Mỗi "và chiếu" gồm 2 người dệt, 1 người mắc sợi cói vào một cái văng (làm bằng tre, nứa) rồi văng qua "và đay" (lúc này người ngồi trên và đay nghiêng go để và đay chia làm 2 một nửa trên, một nửa dưới để sợi cói được văng vào) và một người dập go. Để dệt được một lá chiếu đẹp thì 2 người mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ. Nếu dệt chiếu cải hoa thì phải nhuộm cói bằng phẩm màu, và phải mất 1 ngày 2 người mới dệt được một lá chiếu. Chiếu dệt màu trắng thường được in hoa văn đỏ, với những khuôn hình dát bằng đồng lá phong phú, đa dạng : khuôn chữ hỉ, khuôn đôi chim câu hay khuôn hoa lá...Người ta trải chiếu trên chiếc phản dài, đặt khuôn lên sao cho vị trí sơn thật chuẩn, rồi mới quét màu lên đấy. Sau đó chiếc chiếu sẽ được sấy khô cho chín sơn. Khi dệt hết 1 và chiếu (thường thì khoảng 2 lá chiếu) thì được cắt ra và gim những đầu đay để thừa để giữ cho cây cói không bị bong ra khi sử dụng.
Chiếc chiếu của người Việt, không đơn giản chỉ là phương tiện trải ra ngồi hay nằm, nó còn là nét văn hóa rất riêng gắn với nếp nhà, văn hóa bao đời của dân tộc.
TIPC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét