Tổ hợp tác sản xuất chiếu cói
Phú Tân ở thôn Phú Tân, xã An Cư, huyện Tuy An đã nỗ lực đưa sản phẩm chiếu cói truyền thống trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tổ sản xuất chiếu cói Phú Tân (Tuy An) góp phần hồi sinh
làng nghề dệt chiếu cói truyền thống của địa phương- Ảnh: M.DUYÊN |
Khôi phục ngành chiếu cói
Bắt đầu từ sự vươn lên của một cá nhân, rồi nhân rộng ra vài hộ trong thôn, nay đã phát triển thành một tổ sản xuất với tay nghề của người lao động được nâng lên và trang thiết bị cũng được đầu tư hiện đại. Hiện Tổ sản xuất chiếu cói Phú Tân (TSX Phú Tân) đang tạo việc làm cho hơn 135 lao động nông nhàn địa phương với mức thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Kim Phương, người có công đầu trong việc thành lập TSX Phú Tân chia sẻ: Chiếu dệt bằng máy có mẫu mã đẹp, giá bán cao hơn chiếu dệt bằng tay từ 15.000 đến 20.000 đồng/đôi. Tuy nhiên, chiếu dệt bằng máy đòi hỏi nhiều lao động và vốn đầu tư. Để thành lập tổ hợp tác này, gia đình tôi vận động 4 hộ khác trong thôn cùng góp vốn. Nhờ đó mà 2 chiếc máy dệt chiếu với 15 lao động làm việc liên tục 7 ngày/tuần, mỗi ngày sản xuất được 30 chiếc chiếu. Tiếp đến, chúng tôi đã đầu tư 950 triệu đồng mua thêm 3 máy may biên, 8 máy dệt về phục vụ sản xuất. 30 lao động chủ yếu là thanh niên, phụ nữ trong xã chưa có việc làm ổn định được chúng tôi nhận vào làm việc với mức thu nhập ổn định 1,8 triệu đồng/người/tháng. Riêng việc cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho các hộ cùng làm chiếu khác cũng giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động nông nhàn trong xã. Hiện nay, với 10 chiếc máy dệt, mỗi ngày tổ sản xuất được 150 chiếc chiếu, lợi nhuận mang lại 12 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Mơ làm việc tại TSX Phú Tân chia sẻ: Trước đây gia đình tôi cũng làm chiếu, cố gắng lắm 1 ngày cũng chỉ dệt được 3 chiếc chiếu. Khi gom đủ 20 chiếc, chồng tôi dùng xe đạp chở đi bán dạo khắp nơi. Vất vả, cực nhọc là vậy, nhưng thu nhập không bao nhiêu. Từ khi TSX Phú Tân ra đời, đưa máy móc vào dệt chiếu thì gia đình tôi có được cơ hội phát triển nghề truyền thống này.
Để nâng cao tay nghề cho người lao động cũng như giá trị chiếu cói, TSX Phú Tân đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức lớp đào tạo nghề cói thủ công mỹ nghệ cho 20 lao động ở xã An Cư. Chị Phương cho biết, đào tạo không chỉ nâng cao tay nghề cho người lao động, sản phẩm làm ra đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường mà còn đưa sản phẩm chiếu cói của xã trở thành thương hiệu nổi tiếng, từ đó giúp lao động trong xã, huyện có nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập.
Nguồn tin: Báo Phú Yên điện tử
Tác giả: Bạch Vân
Tác giả: Bạch Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét